Nhân kỷ niệm ngày sách Việt Nam 21/4. Liên đội phối hợp với thư viện nhà trường tổ chức ngoại khóa giới thiệu sách Chủ đề: Cuốn sách em yêu thích và tác phẩm: “Di tích và danh thắng xứ Quảng”. Thông qua chương trình giáo dục các em yêu thích đọc sách vfa rèn luyện kỹ năng, văn hóa đọc.
Nội dung cuốn sách
Quảng Nam, thường gọi là xứ Quảng, là nơi giao thoa của văn hóa Đông-Tây, hiện hữu các di tích, công trình kiến trúc cổ xưa độc đáo. Ở khắp nơi trên mảnh đất Quảng Nam tươi đẹp, chúng ta đều có thể dừng chân để ngắm nhìn những kỳ công của tạo hóa, để say mê vẻ đẹp của cuộc sống và con người. Đến với hội thi hôm nay, em xin được trân trọng chia sẻ về cuốn sách em đã đọc và rất tâm đắc, cuốn sách mang tên “Di tích và danh thắng xứ Quảng”. Cuốn sách của Ban Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, gồm 92 bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn… được công bố từ năm 2011 đến 2022 trên các báo, tạp chí…. Lật từng trang sách, chúng ta lại có dịp hiểu thêm về các di tích, danh thắng xứ Quảng, để thêm yêu và tự hào về quê hương Quảng Nam, nơi chúng ta đã sinh ra và lớn lên.
III. Phần Nội dung:
Kính thưa Hội thi!
Cuốn sách “Di tích và danh thắng xứ Quảng” có trang bìa nhẹ nhàng, hài hòa nhưng đầy ấn tượng. Bìa sách màu xanh da trời, tựa sách được in màu trắng đồng điệu với dòng chữ màu vàng nổi bật làm ánh lên bao điều thú vị, tò mò. Đặc biệt trên trang bìa có các hình ảnh đẹp về danh thắng, di tích xứ Quảng khiến bìa sách trở nên sinh động và cuốn hút hơn. Sách có khổ 14x20 cm nhỏ gọn, với hơn 443 trang, trông như một cuốn cẩm nang về du lịch cho những ai lần đầu đặt chân đến Quảng Nam. Sách có bố cục khá rõ ràng, được sắp xếp theo từng bài viết của các tác giả. Nội dung sách là những bài giới thiệu, tìm hiểu, nghiên cứu và ghi chép tản mạn về những vùng đất và con người xứ Quảng. Dõi theo từng trang sách, chúng ta như được dạo bước tìm hiểu những địa danh Quảng Nam từ Bắc đến Nam, từ đồng bằng lên non xanh hay ngược dòng lịch sử tìm về với những dấu xưa của quê hương. Từ nhiều góc nhìn và cảm nhận khác nhau, các tác giả trong tập sách này đã cho chúng ta thấy dấu ấn lịch sử và sắc thái văn hóa của mỗi vùng đất, những nỗ lực không ngừng và khát vọng của cha ông qua từng di tích; giúp ta hiểu hơn về hồn đất hồn người, bóng dáng làng quê xưa và ký ức một thời quá vãng…để từ đó bồi đắp thêm lòng yêu quê hương, đất nước và trân trọng những giá trị tinh thần do cha ông để lại.
Kính thưa Hội thi!
Chúng ta may mắn được sinh ra là người con của đất Quảng. Liệu ai trong chúng ta đã am hiểu hết những truyền thống văn hóa cũng như thưởng thức được những cảnh đẹp của quê hương xứ Quảng chưa? Nếu chưa, các ban hãy lật những trang sách của cuốn sách này để khám phá về mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. 92 bài viết trong cuốn sách cho ta cái nhìn toàn diện về những danh thắng, di tích lịch sử - văn hóa – con người xứ Quảng. Chúng ta sẽ rất hào hứng với những hình ảnh về danh lam thắng cảnh quê hương từ miền ngược đến miền xuôi, nào là Hố Giang Thơm, Hòn Kẽm Đá Dừng, thác Trà My, Hồ Phú Ninh hay cảnh một buổi rong chơi trên đảo Cù Lao Chàm, một chuyến về xứ vạn dừa Tam Hải. Đặc biệt, trong cuốn sách, mảng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật được viết đến nhiều hơn cả cho thấy bề dày văn hóa của vùng đất Quảng Nam. Những di tích kiến trúc nghệ thuật là nhà cổ, đình làng, hội quán hay đền tháp như làng cổ Lộc Yên, làng mộc Kim Bồng, đình cổ Thành Mỹ, Đình Phương Hòa, Đình Chiên Đàn, tháp Chiên Đàn thể hiện sự tài hoa, sáng tạo của các bậc tiền nhân. Những di tích lịch sử như Vườn Miếu, địa đạo Ngọc Sơn, Tượng đài Chiến thắng Núi Thành, Khu di tích Nước Oa…thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường và sự hy sinh to lớn của cha ông trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Và đặc biệt là chân dung của những danh nhân xứ Quảng như Trương Công Hy, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh làm nổi bật lên vẻ đẹp của con người xứ Quảng trên mảnh đất ‘địa linh nhân kiệt” này.
Kính thưa quý BGK, thưa hội thi!
Cấu trúc cuốn sách ‘Di tích và danh thắng xứ Quảng” mà em muốn giới thiệu với hội thi hôm nay, ngoài nội dung chính thì còn có phần mở đầu là lời giới thiệu về sách cho ta cái nhìn tổng quan về sách. Và đặc biệt, sau phần nội dung chính là những hình ảnh di tích và danh thắng Quảng Nam được người viết dụng công lựa chọn để minh họa và giới thiêu đến đông đảo độc giả. Đó cũng là một việc làm hữu hiệu để quảng bá vẻ đẹp và hình ảnh đất Quảng đến bạn đọc và du khách xa gần.
III. Phần kết:
-Kính thưa quý vị đại biểu, thưa ban giám khảo!
-Kính thưa Hội thi!
Dẫu biết lịch sử đã đi qua và không bao giờ lặp lại và dẫu biết rằng không có con chữ nào đủ để diễn tả được hết những vẻ đẹp của những danh thắng, của truyền thống văn hóa, hay những chiến tích lẫy lừng, tinh thần yêu nước quật cường của người con đất Quảng quê ta, nhưng qua cuốn sách “ Di tích và danh thắng xứ Quảng” , bằng phương pháp trực quan, thông qua các tư liệu ảnh chúng ta có thể kết nối, suy ngẫm và hình dung về hình ảnh xứ Quảng trong suốt chiều dài lịch sử. Cuốn sách là những thước phim tư liệu giàu ý nghĩa, là món quà tinh thần vô giá cho mỗi chúng ta. Hôm nay, được sống trong thời đại hòa bình, chúng ta hãy cùng tìm đọc cuốn sách này để hiểu hơn về mảnh đất quê hương, để biết tri ân đối với những bậc tiền nhân và cũng là để bồi dưỡng thêm lòng yêu nước của chính mình, phải biết trân trọng quá khứ, giữ gìn và phát huy truyền thống quê hương... Từ đó chúng ta càng vững tin hơn trên con đường tương lai đang chờ ta phía trước.
Một lần nữa trước khi khép lại phần dự thi của mình, em xin kính chúc Ban giám khảo, các cô chú đại biểu sức khỏe, chúc hội thi thành công tốt đẹp. Em xin trân trọng cảm ơn!